Cần một ranh giới về giá trị cho thanh long VietGAP

Đăng lúc: Thứ ba - 27/05/2014 14:50 - Người đăng bài viết: admin
Chưa nói đến qui trình chăm sóc cây, trái thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, vùng đất sản xuất cũng qui định phải cách xa khu công nghiệp, bệnh viện, nghĩa trang và đất không bị ô nhiễm kim loại nặng. Sau khâu cày bừa, tạo mặt phẳng để chống ngập úng, việc xử lý thực bì bằng thuốc khai hoang cũng bị cấm
Do những tiêu chuẩn cao về môi trường, các chủ vườn cũng bị hạn chế việc chăn nuôi thả rong, mà phải làm chuồng trại, xử lý chất thải. Nguồn nước tưới cây thanh long phải đạt tiêu chuẩn an toàn, không được sử dụng các nguồn nước chưa qua xử lý. Trong vườn phải xây dựng nhà kho riêng để chứa phân bón, riêng phân chuồng phải có nơi ủ riêng để hạn chế ô nhiễm đất và nguồn nước. Các qui định về sử dụng hóa chất và thuốc BVTV càng nghiêm ngặt hơn, nếu dư lượng hóa chất trong trái thanh long được phát hiện vượt quá mức tối đa cho phép thì phải dừng việc thu hoạch và khâu mua bán sản phẩm. Ngoài ra còn nhiều qui định khác về vệ sinh cá nhân, xử lý sản phẩm, bảo quản và vận chuyển…

1
Ảnh: Đ.H
 
Từ lúc tỉnh ta có chủ trương khuyến khích nông dân mở rộng diện tích thanh long trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều địa phương đã ủng hộ, nhận thức của người trồng thanh long trong tỉnh đã được nâng cao hơn, vệ sinh trong vườn được giữ gìn sạch sẽ, có nhà vệ sinh riêng biệt. Nhiều hộ đã cẩn thận hơn khi sử dụng thuốc BVTV, không sử dụng các loại thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục để phun xịt lên trái thanh long. Một trong 2 huyện có diện tích trồng thanh long nhiều là Hàm Thuận Bắc, đến nay toàn huyện đã có trên 3.000 ha được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhưng theo ngành chức năng, kết quả các tổ được cấp giấy chứng nhận VietGAP so với kế hoạch  thì tiến độ vẫn còn chậm. Một số xã, thị trấn sau thời gian dài thành lập Ban chỉ đạo, vẫn chưa cấp mới được tổ nào. Một số tổ được thành lập từ năm 2012, đến nay quá trình triển khai hoạt động rất yếu và có nguy cơ tan rã như ở các xã Thuận Minh, Hàm Phú, Hàm Thắng…Nhiều tổ giấy chứng nhận đã hết hạn nhưng không làm hồ sơ để Trung tâm Nghiên cứu phát triển thanh long Bình Thuận tái cấp. Anh Dũng, một chủ vườn có hơn 1.000 trụ thanh long ở xã Thuận Minh (Hàm Thuận Bắc) trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho biết: Lúc đăng ký trồng thanh long theo tiêu chuẩn sạch, tưởng đâu được Nhà nước hỗ trợ ít nhiều, nhưng trong quá trình thực hiện, mọi thứ đều phải tự bỏ vốn để đầu tư. Mà lúc bán thì người mua đâu cần phân biệt thanh long sạch hay không…

Anh Huỳnh Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc giải thích thêm: Đối với thanh long VietGAP, ngành chức năng chỉ hỗ trợ chủ yếu về tập huấn kỹ thuật, tư vấn, hướng dẫn qui trình sản xuất thanh long sạch. Về đầu ra, chúng tôi có thông qua Dự án ACB của tỉnh để thành lập tổ liên doanh các doanh nghiệp. Trước đây, ai đăng ký vào VietGAP thì được ưu tiên hạ bình, nhưng do một số nơi đường điện không thuận tiện, nên việc áp dụng không khả thi lắm…

Thực ra, chủ trương trồng thanh long sạch là việc làm đón đầu cần thiết của những người làm công tác quản lý, vì nếu một ngày nào đó, thị trường tiêu thụ đòi hỏi về qui chuẩn sẽ trở tay không kịp. Nhưng nếu để kéo dài tình trạng giá cả của thanh long sạch hay không sạch cũng bằng nhau, thì kế hoạch mở rộng diện tích thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ khó thực hiện.


 Hải Âu

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hãy liên kết với chúng tôi qua kênh mạng xã hội